Vay ngân hàng như thế nào lợi nhất?
Nếu khách hàng vay với lãi suất 13-15%/năm, trong khi tài sản chỉ kỳ vọng tăng giá ở mức thấp hơn, thì việc đi vay đã gián tiếp chuyển phần lợi nhuận tăng trưởng để “nuôi” ngân hàng.
Những khoản vay không phải lúc nào cũng mang lại phiền phức. Trong một số trường hợp, vay vốn tín dụng là đòn bẩy, mở ra hướng đầu tư làm giàu đầy tiềm năng.
Trạng thái khi vay nợ cần phải tránh
Có 2 trạng thái khi vay nợ mà khách hàng cần phải tránh. Thứ nhất là tâm lý ngại đi vay, ngại mắc nợ do sợ bản thân và gia đình sẽ đối diện với nhiều rủi ro hơn nếu vay nợ.
Nếu chúng ta có phương án dự phòng đầy đủ, kế hoạch quản trị rủi ro khi đi vay hợp lý và khả thi thì khi vay vốn mua tài sản, nếu tìm được gói vay lãi suất thấp hơn lợi nhuận kỳ vọng của tài sản đó thì chúng ta có thể tìm được lợi nhuận ngay cả khi vay nợ.
Ví dụ, trong trường hợp đầu tư bất động sản, nếu bạn tìm được gói vay có mức lãi suất khoảng 9%/năm cho phần lớn thời gian vay, và khi thị trường bất động sản đang trong giai đoạn ổn định, bạn có thể cân nhắc vay.
Nguyên nhân do tỷ lệ tăng trưởng bất động sản trong dài hạn thường sẽ xoay quanh mức 10-15%/năm (chưa kể có thể đột biến trong vài thời điểm nhất định), nên mức chênh lệch từ 1-6%/năm tính trên giá trị khoản vay chính là phần lợi nhuận kỳ vọng có được mà không phải bỏ vốn ra.
Ngược lại, với tâm lý ngại vay, nhiều người lại vay bất chấp lãi suất, miễn sao tính toán số tiền trả nợ hàng tháng phù hợp với dòng tiền của bản thân và gia đình.
Quay trở lại ví dụ bên trên, nếu khách hàng vay nợ với mức lãi suất 13-15%/năm, trong khi tài sản của khách hàng chỉ kỳ vọng tăng giá ở mức thấp hơn, thì việc đi vay thậm chí bào mòn tài sản, khiến khách hàng mua một tài sản tăng trưởng nhưng lại gián tiếp chuyển phần lợi nhuận tăng trưởng đó để “nuôi” ngân hàng.
Trong một số trường hợp, khi có tài sản bảo đảm chất lượng, thu nhập có thể chứng minh rõ ràng, phù hợp nhưng nhiều người vẫn chọn phương án vay tín chấp để tìm kiếm khoản vay ở các ngân hàng.
So sánh giữa 2 hình thức vay tín chấp và vay thế chấp, mức lãi suất chênh lệch có thể lên đến 8-10%/năm thì có thể thấy, nếu nắm vững kỹ thuật, phương pháp vay thế chấp tài sản sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được số tiền lớn mỗi năm.
Doanh nghiệp cần “kỹ thuật” gì khi vay?
Đối với các đối tượng vay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thay vì sử dụng vốn của doanh nghiệp cho các khoản nhập tồn kho, chi trả lương nhân viên…, doanh nghiệp có thể mở một hạn mức vay tài trợ vốn lưu động với lãi suất 6 tháng tại các ngân hàng quốc doanh, quanh mức 6-8%/năm – với phần vốn tương ứng với hàng tồn kho, chi phí… của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có thể dùng số tiền cho những việc có hiệu suất đầu tư cao hơn 8%/năm, như đầu tư bất động sản, mua trái phiếu, đầu tư chứng khoán hoặc dùng để mở rộng kinh doanh…
Biết áp dụng kỹ thuật vay, đúng loại hình vay vốn sẽ giúp khách hàng tăng trưởng tài sản cả chục thậm chí cả trăm triệu đồng một năm so với việc không nắm vững những kỹ thuật này.
Tạ Thanh Tùng
Trưởng phòng nghiên cứu và tư vấn bất động sản
Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản FIDT