Tin Thị Trường

Thanh Hoá đón dòng vốn đầu tư lớn trong và ngoài nước

Thanh Hoá đón dòng vốn đầu tư lớn trong và ngoài nước

Với phương châm “doanh nghiệp thành công – Thanh Hóa phát triển”, Thanh Hóa đang thực hiện nhiều chính sách nhằm thu hút các “ông lớn” nhiều năm qua.

Thanh Hóa nâng cao sức cạnh tranh

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện 3 khâu đột phá để thu hút dòng vốn đầu tư. Trong đó, đột phá về thể chế đi trước, có tính chất khơi dòng. Kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2020 công bố tháng 6 cho thấy, 88,7% người dân và doanh nghiệp hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ này thuộc nhóm cao, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong bảng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020, nhiều tiêu chí của Thanh Hóa cũng tăng điểm mạnh so với năm trước, như khả năng gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai của doanh nghiệp, chi phí thời gian, chi phí không chính thức hay các dịch vụ hỗ trợ đi kèm… Cán bộ, công chức các sở ngành đảm bảo nguyên tắc “2 đồng hành”, “3 cam kết” với doanh nghiệp, như một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Điều này đã góp phần tạo dựng lòng tin cho các nhà đầu tư.

Một góc thành phố Thanh Hóa, nơi đang trở thành một cực tăng trưởng mới ở khu vực phía Bắc. Ảnh: V.G

Hấp lực của Thanh Hóa còn nằm ở cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính. Một ví dụ là khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha được chọn là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm, được áp dụng mức ưu đãi hấp dẫn bậc nhất cả nước.

Ngoài ra, nền tảng quan trọng của sự phát triển đến từ những đột phá về cơ sở hạ tầng. 43 tuyến đường bộ quan trọng hoàn thành từ nay tới năm 2025 sẽ đưa Thanh Hóa trở thành tâm của một vòng tròn có bán kính quét sang Lào, lên Tây Bắc, nối cả Đồng Bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ và chạy thẳng ra cảng biển. Trong đó, cảng nước sâu Nghi Sơn sẽ là cửa ngõ quan trọng giúp thông thương hàng hóa của miền Trung ra thế giới. Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân cũng đặt mục tiêu nâng công suất tiếp nhận lên 5 triệu hành khách và 27.000 tấn hàng hóa mỗi năm vào năm 2025.

Trong tương lai, một cú hích quan trọng sẽ giúp Thanh Hóa đủ nguồn lực tiếp tục hoàn thiện hạ tầng. Dự thảo thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho địa phương này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, lấy ý kiến. Nếu được Chính phủ, Quốc hội xem xét, ban hành, nhu cầu 750.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm tới sẽ giảm được nhiều gánh nặng. Hiện trên cả nước, chính sách đặc thù đang được áp dụng với Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng.

5 năm qua, 3 khâu đột phá đã khiến Thanh Hóa tăng trưởng GRDP cao nhất từ trước đến nay, đạt mức bình quân 12,1% giai đoạn 2016-2020, theo Báo Thanh Hóa. Quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước. Từ 2015 đến nay, Thanh Hóa đã thu hút được 1.072 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 115.000 tỷ đồng và gần 3,6 tỷ USD.

Điểm mặt ông lớn ở Thanh Hóa

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, tình hình khó khăn do Covid-19 nhưng dòng vốn đầu tư vào Thanh Hóa vẫn lớn, chứng tỏ sức hấp dẫn lớn.

Là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, ông Trần Đình Thiên có góc nhìn tổng thể cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư ở Việt Nam. “Thực tế cho thấy, địa phương nào thu hút các ‘đại bàng’, một cách nói ví von của các doanh nghiệp lớn, tới làm tổ, đẻ trứng thì địa phương đó bay lên rất nhanh. Nhưng quan trọng, con đại bàng đó không phải chỉ mang lại giá trị GDP mà cần sự kết nối chuỗi với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại chỗ. Càng ngày, vùng đất đó sẽ càng thu hút thêm nhiều ‘đại bàng’ khác tới nữa”, ông Thiên nói.

Điểm mặt các nhà đầu tư có mặt tại Thanh Hóa, có nhiều tên tuổi nổi tiếng trên toàn cầu, như: Exxon Mobil, Milennium Energy, Chuwa Busan, AEON, Foxconn, Mintal, Fangda, INTCO, WHA Industrial Development PLC… các tổ chức JICA (Nhật Bản), KOIKA (Hàn Quốc)…

Đáng chú ý còn là những “ông lớn” nội đang góp phần tạo dựng tạo nên sức hấp dẫn cho thị trường xứ Thanh, trong đó có Vingroup, Sungroup, T&T hay Eurowindow…

Với Vingroup, doanh nghiệp này đang triển khai dự án Vinhomes Star City, khu đô thị có diện tích gần 150 ha, hội tụ nhiều phong cách kiến trúc châu Âu, chuẩn sống sánh tầm thế giới.

“Cách tiếp cận xây dựng hệ sinh thái của Vingroup đang tạo sự đột phá trong phát triển, thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Sự hiện diện của hệ sinh thái này sẽ làm sáng thêm cho Thanh Hóa”, vị chuyên gia khẳng định.

Theo các chuyên gia, sự xuất hiện của những tên tuổi lớn đang thúc đẩy sự sôi động của thị trường bất động sản Thanh Hóa nói chung và thiết lập mặt bằng giá trị mới cho các sản phẩm bất động sản tại địa phương này.

Theo Vnexpress