News

NGƯỜI DÂN VÙNG XANH SỐNG KHỎE NHỜ LIỆU PHÁP ÂM NHẠC

Người dân Vùng Xanh sống thọ nhờ thường xuyên chơi một loại đạo cụ, nhảy múa, nghỉ ngơi, dành nhiều thời gian cho các thú vui, thay vì làm việc quá sức.

Blue Zones (Vùng Xanh) là thuật ngữ chỉ những khu vực có lối sống và chế độ ăn uống đặc trưng, khiến tỷ lệ dân số trên 100 tuổi cao nhất thế giới. Năm Vùng Xanh gồm Ikaria ở Hy Lạp; Barbagia, Sardinia ở Italy; Okinawa ở Nhật Bản; Nicoya ở Costa Rica; và Loma Linda ở Mỹ.

Chuyên gia tuổi thọ, nhà thám hiểm National Geographic Dan Buettner đã dành nhiều năm nghiên cứu về lối sống của người dân ở những khu vực này, tìm ra nguyên nhân họ có tuổi thọ lên tới 100. Ông chỉ ra rằng chìa khóa để sống lâu đôi khi không nằm ở chế độ dinh dưỡng đắt đỏ hay các bài thể dục cường độ cao. Người dân Vùng Xanh sở hữu những thói quen cực kỳ đơn giản ở tuổi 80, 90 hoặc 100 như thưởng thức rượu vang, nhảy múa, chơi nhạc…

“Bí quyết của họ là biết tận hưởng cuộc sống, thay vì làm việc đến lao lực”, Buettner viết trong cuốn sách Live to 100: Secrets of the Blue Zones.

Cụ thể, đặc điểm chung của người dân Vùng Xanh là thói quen “tập thể dục nhưng không đến phòng gym”. Các khu vực như Nicoya, Costa Rica có văn hóa lễ hội mạnh mẽ. Họ thường xuyên tổ chức các buổi khiêu vũ. Trong khi người Hy Lạp có một sự kiện truyền thống là panegyris. Theo Buettner, họ khiêu vũ suốt đêm, cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi. Trên thực tế, một giờ khiêu vũ đốt lượng calo tương đương với một giờ chạy bộ. Theo Harvard Health, việc nhảy múa có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Ngoài ra, nhiều người dân Vùng Xanh thường xuyên chơi một loại đạo cụ như guitar, piano, hoặc đạo cụ cổ truyền, mang đặc trưng văn hóa của từng vùng đất. Trong bộ phim tài liệu Sống đến 100 tuổi: Bí mật của những vùng đất Blues Zones, các cụ già ở Loma Linda ở Mỹ chơi piano nhiều giờ mỗi ngày bên cạnh bơi lội, ăn chay và làm tình nguyện viên.

Tại Okinawa ở Nhật Bản hay Nicoya ở Costa Rica, âm nhạc trở thành một “món ăn” không thể thiếu trong đời sống của các cụ ông, cụ bà. Mỗi ngày, họ chơi các loại nhạc cụ dân tộc và hát múa theo những điệu nhạc đã gắn bó từ khi lọt lòng. Ở Okinawa, các cụ già còn đặt lịch cứ hai lần một tuần sẽ có một buổi gặp gỡ để trò chuyện, chơi nhạc và hát luân phiên tại nhà của một người, như một thói quen giúp gắn kết tình thân và giảm stress, căng thẳng.

nguoi-dan-vung -xanh-song-tru ong-tho-voi-li eu-phap-am-nha c-1.png

Âm nhạc có thể là liệu pháp giúp cải thiện tâm trạng, giải tỏa cảm xúc và nâng cao thể chất. Ảnh: Havard Health Publishing

Các nghiên cứu tổng hợp năm 2022 của các học giả từ Đại học Âm nhạc, Kịch nghệ và Truyền thông Hannover, Đức, cho thấy sử dụng các biện pháp can thiệp sức khỏe bằng âm nhạc (như nghe nhạc, ca hát và trị liệu bằng âm thanh) có thể cải thiện sức khỏe tâm thần đáng kể và phần nào nâng cao thể chất.

Theo đó, âm nhạc có thể có mối liên hệ rõ ràng và tác động ngay lập tức đến sức khỏe. Ví dụ, một danh sách các bản nhạc nhẹ nhàng giúp con người dễ dàng đi vào giấc ngủ; những bản nhạc dance sôi động tạo động lực tập thể dục; ca hát hỗ trợ quá trình thể hiện cảm xúc; và tham dự một buổi biểu diễn âm nhạc trực tiếp giúp con người kết nối với nhau.

Tuy nhiên, mỗi người đến từ những nền văn hóa khác nhau, có nhiều trải nghiệm sống cũng như nhu cầu về sức khỏe thể chất và tinh thần riêng. Mối liên hệ của chúng ta với âm nhạc mang tính cá nhân, thay đổi theo từng thời điểm dựa trên tâm trạng, sở thích, hoàn cảnh xã hội và trải nghiệm.

Vì vậy, tác động của âm nhạc đến mỗi người có thể đạt kết quả tốt nhất thông qua trị liệu âm nhạc, điều chỉnh “liều lượng” phù hợp, biến âm nhạc thành một hình thức chữa lành.

Theo Lorrie Kubicek, nhà trị liệu âm nhạc tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Mỹ, liệu pháp chữa bệnh bằng âm nhạc là một nghề chăm sóc sức khỏe lâu đời. Các biện pháp được các nhà trị liệu sử dụng gồm can thiệp chủ động (ca hát, khám phá nhạc cụ, sáng tác, nhảy múa, sản xuất nhạc kỹ thuật số) và can thiệp tiếp thu (nghe nhạc, tạo danh sách phát nhạc hoặc trò chuyện và hồi tưởng về âm nhạc).

Ngoài ra, trị liệu âm nhạc còn bao gồm các mục tiêu cải thiện sức khỏe như giảm lo lắng, cải thiện tâm trạng, giảm nhận thức về cơn đau khi bị ung thư hoặc trong khi điều trị bệnh hay tăng khả năng biểu hiện cảm xúc.

Nghiên cứu thí điểm kéo dài ba tháng tại Khoa Thần kinh Nội trú, Bệnh viện Northwestern Memorial, Mỹ, năm 2020 cho thấy âm nhạc là một trong liều thuốc hiệu quả nhất với người già đột quỵ. Công trình cho thấy nghe nhạc giúp kích hoạt các vùng não được sử dụng để giao tiếp xã hội. Nó làm giảm lo lắng, đau đớn và cảm giác cô đơn, đồng thời nâng cao tâm trạng và mức năng lượng. Việc ghép lời nói với âm nhạc còn giúp người bệnh đột quỵ lấy lại khả năng ngôn ngữ. Đối với bệnh nhân Parkinson, âm nhạc có thể giúp họ đi lại và giữ thăng bằng, giảm đau đầu, kích động và tăng ngưỡng co giật.